Lịch sử nhà tù Côn Đảo – Dấu ấn một thời đau thương của dân tộc

Nhà tù Côn Đảo nổi tiếng từng được mệnh danh là chốn địa ngục trần gian. Nơi đây gồm hệ thống nhà tù Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Cùng tìm hiểu về lịch sử nhà tù Côn Đảo qua bài viết dưới đây nhé.

Nội dung bài viết

Tổng quát về nhà tù Côn Đảo

Hệ thống nhà tù Côn Đảo được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử tù… Nơi đây thời Pháp thuộc đã giam giữ những nhân vật tham gia các phong trào cách mạng và những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa, và sau đó lại được Mỹ sử dụng để giam cầm tù binh trong cuộc chiến chống Mỹ.

Hiện nay, khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Địa điểm nổi tiếng nhất trong khu nhà tù này là “chuồng cọp”. Đây là nơi ghi lại những hành động ngược đãi tù nhân nghiêm trọng của thực dân Pháp, quân đội Mỹ và chế độ Quốc gia Việt Nam/Việt Nam Cộng hòa.

Nguồn gốc lịch sử nhà tù Côn Đảo

Ngày 1/2/1862, Thực dân Pháp đã thành lập Nhà tù Côn Đảo để giam giữ các tù nhân chính trị Việt Nam. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập – “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo.

Bức hình quý chụp lại Cửa nhà tù ở Trại tù Côn Đảo

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần.

Các di tích nằm trong khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo

1. Nhà Chúa Đảo

Có tổng diện tích là 18.600m2, gồm các hạng mục: nhà phụ thuộc, nhà ở dành cho nhân viên, nhà Chúa Đảo, hệ thống sân, vườn – có cổng và hàng rào bao quanh. Khu vực này từng là nơi ở và làm việc của 53 đời Chúa Đảo, trong khoảng thời gian hệ thống nhà tù ở Côn Đảo duy trì hoạt động. Sau ngày giải phóng (1975) đến nay, nhà Chúa Đảo được sử dụng làm nơi trưng bày của Khu di tích lịch sử Côn Đảo.

2. Cầu Tàu

Nằm tại vị trí trung tâm của bãi biển chính, thuộc thị trấn Côn Đảo (phía trước nhà Chúa Đảo), được khởi dựng từ năm 1873. Đây cũng là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra đảo tù đày. Nhiều người chỉ qua đây đã vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Con số 914 được đặt tên cho cầu cũng là số tù nhân đã bị “ngã xuống” vì lao dịch, tai nạn trong quá trình lao động khổ sai để xây cầu. Cầu có chiều dài 130m, rộng 4,8m, gồm hai cánh chính và một cánh phụ, ở phía mũi tạo hình chữ T.

3. Trại 1 (Trại Phú Thọ)

Trại 1 còn được biết đến qua các tên gọi khác, như Banh 3, Lao 3, Trại Bác Ái, trại Phú Thọ. Trại được xây dựng năm 1928, trên tổng diện tích khoảng 12.700m2. Trong đó, diện tích phòng giam là 1.200m2, bao gồm 3 dãy khám giam, nhà y tế, nhà bếp và nhà ăn, phòng giam tập thể và phòng biệt lập, dãy nhà cầm cố (giam cầm).

Trước năm 1945, trại giam này có 2 dãy phòng giam tập thể, 1 dãy phòng giam biệt lập, 1 khu nhà bếp và 1 khu bệnh xá (dành để cách ly bệnh kiết lỵ).

Sau Cách mạng tháng Tám, trại giam này được chỉnh trang lại, chỉ còn 2 dãy phòng giam. Các phòng giam được đánh số thứ tự từ 1 đến 8.

Dưới thời Mỹ, trại này được xây thêm 2 phòng giam (số 9 và số 10) ở phía sau bệnh xá. Đặc biệt, phòng giam số 10 được Mỹ – Ngụy dùng làm khu biệt lập để bổ sung cho khu chuồng cọp, nên được ngăn ra 15 khu biệt giam. Người tù bị giam ở đây đã đặt cho nó một biệt danh là: “Biệt lập chuồng gà”.

Ngoài ra, trong khu vực này còn có Banh 3 phụ, Banh 3 cùng với Banh 3 phụ và trại 5 (do Mỹ – Ngụy xây dựng năm 1962), tạo thành một cụm bao quanh khu biệt lập nổi tiếng: “Chuồng cọp Pháp”.

4. Trại 2 (Trại Phú Hải)

Trại còn có các tên gọi khác, như Banh 1, Lao 1, Trại Cộng Hòa. Đến tháng 11 năm 1974, trại này được gọi là trại Phú Hải. Trại 2 được xây dựng từ năm 1862 và được chỉnh trang kiên cố vào năm 1896, với diện tích 12.040m2, gồm 02 dãy khám giam, 20 xà lim, bệnh xá, nhà nguyện, giảng đường, khu đập đá, câu lạc bộ, nhà Giám thị… , được bao bọc bởi bốn bức tường cao hơn 4m, xung quanh bố trí nhiều bốt gác. Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo.

5. Trại 3 (Trại Phú Sơn)

Trại còn được biết đến qua các tên gọi khác, như Banh 2, Lao 2, Trại Nhân Vị, Trại 3, Trại Phú Sơn. Trại được xây dựng năm 1916, nằm cạnh Banh 1, với diện tích 13.228m2, gồm 13 khám lớn, 14 xà lim, 1 phòng hớt tóc, miếu thờ, phòng y tế, nhà bếp, phòng Giám thị, câu lạc bộ và khuôn viên cây xanh, bao quanh là hệ thống tường đá (cao 4m) và nhiều bốt gác.

6. Trại 4

Có tổng diện tích 5804m2, gồm 8 phòng giam, nhà bếp, nhà kho, bệnh xá, có tường đá dày, cao bao quanh.

7. Trại 5

Có tổng diện tích 3.594m2, với 12 phòng giam tập thể, được chia làm 3 dãy (mỗi dãy 4 phòng), khu nhà bếp, có tường đá dày, cao khoảng 4m bao quanh.

8. Trại 6

Tức Trại Phú An, có diện tích 42.140m2, gồm khu A và khu B. Mỗi khu đều có hai dãy, gồm 10 phòng, 4 xà lim, nhà bếp, bệnh xá, nhà kho. Khu trại này được bao bọc bởi hai lớp rào, có cổng ngoài và cổng trong.

9. Trại 7 (Trại Phú Bình)

Còn có tên gọi khác là Trại Phú Bình, hay Chuồng cọp kiểu Mỹ. Trại có diện tích 25.788m2, với 8 khu trại giam (A, B, C, D, E, F, G , H), mỗi khu đều có 48 chuồng cọp, nhà kho, nhà bếp, văn phòng Giám thị, bệnh xá. Quanh trại được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai và tường bê tông.

10. Trại VIII Còn được gọi là Trại Phú Hưng, gồm 10 khám giam, được chia thành 2 dãy, cùng các công trình phụ, như nhà Giám thị, vọng gác. Bao quanh trại là hệ thống hàng rào dây thép gai.

11. Trại IX

Khi Mỹ – Ngụy đang cho đổ bê tông nền, đúc cột dựng trại, thì Hiệp định Paris được ký kết nên trại này đã bị bỏ dở.

12. Phòng điều tra

Đây là nơi làm việc và lưu trữ hồ sơ hỏi cung. Mọi tù nhân trước khi được nhập giam, đều bị hỏi cung tại phòng này.

13. Cầu Ma Thiên Lãnh

Từ năm 1930 – 1945, thực dân Pháp đã cho mở một nhánh đường đến Sở Ông Câu để tiện cho việc kiểm soát tù vượt ngục. Cầu mới xây dựng được 2 mố, mỗi mố cao khoảng 8m. Tên cầu do tù nhân lấy tên ngọn núi Ma Thiên Lãnh ở Triều Tiên để đặt.

14. Khu biệt lập Chuồng Bò

Khu vực này là nơi tù nhân lao động khổ sai, đồng thời là nghĩa địa của tù nhân. “Bãi sọ người” tại đây chính là nghĩa địa đầu tiên ở Nhà tù Côn Đảo, tiếp đến là nghĩa địa Hàng Keo, nghĩa địa Hàng Dương.

15. Lò Vôi

Đây là chứng tích điển hình về chính sách bóc lột sức lao động một cách dã man, cùng với chế độ nhà tù hà khắc, thâm độc, nhằm dập tắt ý chí của những người Việt Nam yêu nước bị tù đày tại Côn Đảo.

16. Nhà Công Quán

Xây dựng cuối thế kỷ 19, diện tích 850m2, là nơi dừng chân của nhạc sĩ người Pháp: Charles Camille Saint Saens – Danh nhân văn hóa thế giới. Tại đây Ông hoàn tất 3 chương cuối vở nhạc kịch bất hủ Brunchida.

17. Nghĩa trang Hàng Dương

Có diện tích khoảng 20 ha. Đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào Việt Nam yêu nước đã lần lượt hy sinh dưới ách tù đày, khổ sai tàn bạo của bọn thực dân và đế quốc.

Năm 1992, di tích này đã được đầu tư tôn tạo và chia thành 4 khu:

– Khu A: gồm 688 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể), với 86 mộ có tên và 602 mộ khuyết danh. Đa phần mộ ở đây được chôn cất từ năm 1945 về trước, trong đó có phần mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh;

– Khu B: gồm 695 ngôi mộ (có 17 mộ tập thể), với 275 mộ có tên và 420 mộ khuyết danh. Đa phần mộ ở đây được chôn cất từ năm 1945 đến 1960, trong đó có phần mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc;

– Khu C: gồm 372 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể), với 329 mộ có tên và 43 mộ khuyết danh. Đa phần mộ ở đây được chôn cất từ năm 1960 đến 1975, trong đó có phần mộ của anh hùng Lê Văn Việt;

– Khu D: gồm 148 ngôi mộ, với 11 mộ có tên và 137 mộ khuyết danh. Số mộ này đều được quy tập từ nghĩa địa Hòn Cau và Hàng Keo.

Nhà tù Côn Đảo là một di tích đặc biệt (di tích nhà tù). Đây là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức; là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước.

Nhà tù Côn Đảo cũng là “Trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).

Nhà tù Côn Đảo ngày nay – Địa điểm du lịch nổi tiếng

Hiện nay, nhà tù Côn Đảo là điểm đến quan trọng cho những ai muốn khám phá thêm về lịch sử chống giặc ngoại xâm của ông cha ta ngày xưa.

Lưu ý khi tham quan khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo:

  • Giá vé tham quan nhà tù Côn Đảo hiện là 40.000 VNĐ/người, thời gian mở cửa từ 7h00 sáng đến 17h30 chiều.
  • Khi tham quan nơi đây du khách nên ăn mặc kín đáo, lịch sử, tránh chọn quần áo quá phản cảm.
  • Không tự ý sờ, chạm vào hiện vật trưng bày hay các vật dụng liên quan.
  • Nên mang theo đồ ăn nhẹ, nước uống. Nhớ bỏ rác đúng nơi quy định.
  • Không gây ồn ào, nói chuyện lớn tiếng hay làm ảnh hưởng đến các du khách khác.

Trên đây là tổng quát về lịch sử nhà tù Côn Đảo cho bạn tham khảo. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn trong chuyến du lịch Côn Đảo đầy thú vị. Bên cạnh đó, nếu bạn có nhu cầu đặt Đồ cúng Côn Đảo khi đến những địa điểm tâm linh hoặc thăm viếng các anh hùng cách mạng tại Nghĩa trang Côn Đảo, hãy liên hệ với Đồ cúng Tâm Phúc Côn Đảo để được tư vấn và hỗ trợ.

Dịch Vụ Đồ Cúng Tâm Phúc

Chi nhánh TPHCM:

Chi nhánh Côn Đảo: 

  • Địa chỉ: Đường Nguyễn Hữu Tiến, Khu 7, Huyện Côn Đảo, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
  • Hotline: 0866.500.779
  • Fanpage: Đồ Cúng Côn Đảo Tâm Phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0866.500.779